23 tháng 5, 2014

Xoắn tinh hoàn ở trẻ em

Bé trai 13 tuổi tới phòng khám vì đau ở vùng bụng dưới từ trước đó 6 giờ. Bé kêu đau ở tinh hoàn trái, nhất là khi ho. Tình trạng đau cải thiện đôi chút trước khi tới phòng khám. Chứng đau bắt đầu từ tinh hoàn trái rồi di chuyển tới bụng dưới, đau như bị người khác đá.  







Hỏi bệnh
  • Tiền sử bản thân và tiền sử gia đình không có gì đặc biệt. 
  • Không ghi nhận chấn thương, nôn hay sốt. 
  • Đại tiểu tiện bình thường.  

Khám lâm sàng
  • Bé trai lo lắng vì đau, nhịp tim tăng nhẹ.
  • Tinh hoàn phải bình thường nhưng tinh hoàn trái phù nệ nặng và đổi màu (đỏ/tím). Mất phản xạ cơ bìu bên trái, nâng tinh hoàn không giúp cải thiện chứng đau, tinh hoàn rất đau khi sờ nắn.
  • Khám bụng bình thường.

Chẩn đoán: Xoắn tinh hoàn 
  • Bác sĩ tiết niệu được mời tới và siêu âm cấp cứu được thực hiện, trên siêu âm không thấy dòng chảy của động mạch và tĩnh mạch.
  • Bệnh nhân được đưa vào phòng mổ, ở đó chẩn đoán xoắn tinh hoàn được xác nhận. Sau khi tháo xoắn, có sự cải thiện tối thiểu về màu sắc của tinh hoàn. Bệnh nhân được chuyển sang phòng hậu phẫu để theo dõi sát.
  • Rất không may, bệnh nhân tiếp tục đau và siêu âm nhắc lại vẫn không thấy dòng chảy của máu. Bệnh nhân được đưa lại vào phòng mổ, phát hiện hoại tử rõ rệt, tiến hành cắt bỏ tinh hoàn.   

Bàn luận
  • Xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, xuất hiện ở 1:4.000 bé trai và nam giới dưới 25 tuổi, hay gặp nhất ở tuổi tiền dậy thì.
  • Thường khởi phát cấp tính với triệu chứng đau và nôn. 
  • Bìu phù nề, đỏ
Xoắn tinh hoàn bên trái ở một trẻ sơ sinh. 

  • Mất phản xạ cơ bìu.
  • Tinh hoàn bị kéo lên cao và nằm theo trục ngang.
  • Khi phù nề gia tăng, thường khó phân biệt xoắn tinh hoàn với các nguyên nhân khác gây đau bìu cấp tính. 
  • Xử trí kịp thời là điều hết sức quan trọng vì các thay đổi không hồi phục có thể xuất hiện trong vòng 4-6 giờ. Sau 24 giờ, nhồi máu là quy luật chung.


Tinh hoàn bị xoắn theo chiều kim đồng hồ. 


Bài học

Đau bụng cấp tính có chẩn đoán phân biệt rất rộng rãi nhưng đặc điểm chung là cần được chẩn đoán và xử lý thật nhanh chóng. 

Khai thác tiền sử: khởi phát, vị trí, tính chất đau và sự tiến triển. Một trẻ với biểu hiện đau mạnh, xuất hiện đột ngột, khu trú rõ ràng và ngày càng tồi đi cần được quan tâm đặc biệt. 

Các vùng cần chú ý khi thăm khám:
  • Vẻ ngoài (trong đó có tình trạng mất nước)
  • Lồng ngực (tìm kiếm bệnh lý phổi hay cơ xương)
  • Bụng
  • Cơ quan sinh dục tiết niệu

Chẩn đoán phân biệt đau cấp tính ở bụng:

Trẻ dưới 1 tuổi  
  • Dị tật đường dạ dày-ruột  
  • Colic (cơn đau do co thắt ở trẻ sơ sinh)
  • Viêm ruột hoại tử
  • Hẹp môn vị
  • Xoắn ruột/Ruột quay bất thường

Trẻ trên 1 tuổi/ tuổi mẫu giáo
  • Thoát vị
  • Lồng ruột
  • Nhiễm độc chì

Tuổi học sinh
  • Viêm ruột thừa
  • Tiểu đường
  • Hội chứng ure huyết -  tan máu
  • Ban xuất huyết Schonlein Henoch
  • Viêm hạch mạc treo
  • Đau bụng nguyên nhân tâm lý

Tuổi trước dậy thì/ Dậy thì
  • Tiểu đường
  • U nang buồng trứng
  • Xoắn buồng trứng/ xoắn tinh hoàn
  • Bệnh nhiễm trùng khung chậu
  • Đau bụng nguyên nhân tâm lý
  • Mang thai
  • Viêm loét đại tràng

Mọi lứa tuổi
  • Dị tật đường dạ dày-ruột
  • Táo bón
  • Bạo hành gia đình
  • Bệnh xơ nang (Cystic fibrosis)
  • Dị vật /dị vật dạ dày
  • Sỏi mật/Bệnh túi mật
  • Viêm dạ dày/loét dạ dày
  • Viêm dạ dày ruột
  • Viêm gan
  • Bệnh Hirschsprung
  • Quai bị 
  • Teo – đường dạ dày ruột, thận, túi mật...
  • Viêm tụy 
  • Thủng tạng/Viêm phúc mạc 
  • Viêm phổi 
  • Thiếu máu hồng cầu lưỡi liềm
  • Chấn thương 
  • Khối u 
  • Nhiễm trùng tiết niệu 
  • Sỏi niệu 



Đọc thêm

Xoắn tinh hoàn ở trẻ emPGS. TS. Trần Ngọc Bích, Bệnh viện Việt Đức

Xoắn thừng tinh (spermatic cord torsion, testicular torsion)
 BS Trịnh Minh Giám, Bộ môn Ngoại, Đại học Y Dược Huế




Print Friendly and PDF