18 tháng 4, 2014

Đau cẳng chân về chiều tối

Cháu trai 13 tuổi đi khám sức khỏe định kỳ và than phiền về chứng đau ngắt quãng ở cẳng chân hai bên. Cháu tham gia lớp tập chạy nhưng không bị chấn thương. Triệu chứng đau xuất hiện chủ yếu vào buổi tối, sau giờ chạy. 






Một số đặc điểm khác của chứng đau: 
  • nhức lan tỏa
  • thường kéo dài dưới 1 giờ
  • không làm tỉnh giấc ban đêm, không xuất hiện khi đi học
  • xuất hiện khoảng 1 lần/tuần 
  • không thay đổi vị trí, độ lan tỏa hay cường độ. 
  • không bị đi khập khiễng nhưng thấy đau nhức khi nghỉ ngơi
  • xoa bóp thấy dễ chịu hơn.  
Hỏi bệnh
  • Cháu chỉ chạy trên cùng một tuyến đường cỏ hay đường nhựa, không có thêm động tác nhảy hay ném. Huấn luyện viên yêu cầu chạy ngược chiều kim đồng hồ trong thời gian vận động để giúp làm giảm sức căng bên trong chân. 
  • Tiền sử y khoa không có gì đặc biệt.
  • Không có biểu hiện như sốt nóng, sốt lạnh, ra mồi hôi ban đêm, dễ đụng dập hay chảy máu, sưng khớp, đau xương hay đau khớp. 
Khám lâm sàng 
  • Bình thường 
Xét nghiệm 

Cháu cần làm xét nghiệm máu định kỳ, vì vậy bác sĩ kết hợp kiểm tra tốc độ lắng máu và CRP. Kết quả bình thường.

Kết luận 
  • Bác sĩ cho rằng các triệu chứng này là biểu hiện của chứng đau ở trẻ đang lớn và khuyến cáo bệnh nhân tập các động tác duỗi đầy đủ trước, trong và sau khi chạy và uống đủ nước.
  • Cháu bé được yêu cầu ghi nhật ký theo dõi chứng đau và khám lại sau 2 tháng, hoặc sớm hơn nếu xuất hiện triệu chứng mới.  

Bàn luận

“Chứng đau khi lớn” ở cẳng chân là biểu hiện thường gặp ở trẻ em. Các nghiên cứu không đồng nhất từ 1928-2004 ở Mỹ cho thấy tỷ lệ này là 2,6-49,4% ở trẻ 4-19 tuổi. Các nghiên cứu này không đồng nhất về thời gian, vị trí và đặc biệt là định nghĩa chứng đau khi lớn. 

Một nghiên cứu trên 1445 trẻ 4-6 tuổi vào năm 2004 sử dụng thiết bị chuẩn cho thấy tỷ lệ này là 36,9%.

‘Chứng đau khi lớn’ được Peterson mô tả trong nghiên cứu năm 2004:
  • đau mạn tính ngắt quãng (không đau khớp) ở cả hai chân
  • thường xuất hiện ở đùi hay bắp chân
  • xuất hiện vào cuối ngày hay về đêm
  • kéo dài trong nhiều tuần hay nhiều tháng
  • không có tiền sử chấn thương nhưng vì thời gian đau kéo dài nên gia đình và bệnh nhân thường gắn nó với những chấn thương nhỏ. 
  • khám lâm sàng và xét nghiệm (nếu có) bình thường. 
Còn chưa rõ nguyên nhân gây chứng đau khi lớn là gì nhưng tồn tại các giải thuyết: 
  • sự mệt mỏi của cơ
  • bất thường giải phẫu như bàn chân dẹt hay đầu gối vẹo trong
  • một phần của tổ hợp đau rộng lớn hơn như đau đầu hay đau bụng
Cần khai thác tiền sử kỹ càng và làm thêm xét nghiệm nếu chứng đau ở chân có các đặc điểm khác:
  • đau khu trú, dai dẳng hay dữ đội
  • đau xuất hiện vào các thời điểm khác nhau trong ngày
  • có sự tham gia rõ rệt của khớp
  • chi bị phù nề hay đỏ
  • có các triệu chứng hệ thống.  
Với nhiều trẻ nhỏ và trẻ vị thành niên, các hội chứng virus ngắt quãng kèm theo đau cơ hay tập luyện quá sức cũng có thể có những biểu hiện tương tự như chứng đau khi lớn. 

Bài học

Chẩn đoán phân biệt chứng đau ở chân bao gồm:

Bệnh truyền nhiễm
  • Viêm khớp nhiễm trùng
  • Viêm màng hoạt dịch nhiễm độc
  • Bệnh Lyme
  • Viêm tủy xương
  • Sốt thấp khớp
  • Các hội chứng virus
Bệnh huyết học/Ung thư
  • U xương
  • Bạch cầu cấp
  • U cơ
  • U nguyên bào thần kinh
Bệnh chấn thương chỉnh hình 
  • Hội chứng chèn ép khoang
  • Mắc bẫy (động mạch, dây thần kinh...)
  • Gãy xương
  • Chấn thương mô mềm (viêm cơ, viêm gân, viêm túi thanh mạc...)
  • Bệnh khớp (viêm khớp phản ứng, viêm da cơ, ban xuất huyết Schonlein Henoch, viêm khớp không rõ nguyên nhân ở thanh niên, lupus ban đỏ...)



Print Friendly and PDF