18 tháng 11, 2014

Một trường hợp khó trong chẩn đoán dị vật đường hô hấp

Bé Linh đã bình phục. 
Một hạt lạc vừa được các bác sĩ bệnh viện Nhi Trung ương tìm thấy trong phế quản của cháu Tuệ Linh, 2 tuổi, ở Hưng Yên. Đây chính là “thủ phạm” khiến phổi của trẻ tổn thương nặng. Trước đó cháu đã được chẩn đoán và điều trị theo hướng viêm phế quản, viêm phổi tụ cầu gây tràn khí màng phổi. 









Theo gia đình kể lại, từ ngày 27/10, trẻ bỗng nhiên ho nhiều, khó thở, môi tím. Hai ngày sau, trẻ được đưa đến thăm khám tại bệnh viện địa phương. Các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phế quản và cho thuốc, chỉ định dùng khí dung. Sau khi dùng khí dung 2 lần, trẻ vẫn không đỡ và bị tràn khí màng phổi, chuyển lên bệnh viện Nhi Trung ương.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trẻ được chẩn đoán viêm phổi, X-quang cho kết quả tràn khí màng phổi và tràn khí trung thất. Ths.Bs Lê Thị Hoa, khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Kết quả xét nghiệm cho thấy có hiện tượng nhiễm khuẩn. Các bác sĩ nghĩ tới viêm phổi tụ cầu, tràn khí màng phổi do vỡ kén khí do tụ cầu. Sau 8 ngày điều trị kháng sinh, khám lâm sàng và xét nghiệm thấy hoàn toàn ổn định. Trẻ được cho ra viện và hẹn khám lại".

Ngày 14/11, một tuần sau khi ra viện, cháu Tuệ Linh tới khám lại. Trong lần khám này, các bác sĩ thấy có dấu hiệu ứ khí phổi phải trên phim X-quang và nghi ngờ dị vật bỏ quên. Nội soi đường thở đã tìm thấy và gắp ra được một hạt lạc đã mủn, gây viêm nhiễm trong khí quản của trẻ.

Theo mẹ cháu Linh: “Do gia đình chuyên kinh doanh cung cấp thực phẩm nên đồ ăn trong nhà rất nhiều, để khắp nơi, gia đình hoàn toàn không rõ cháu hóc hạt lạc khi nào và vì sao”.
Sau gắp dị vật, tình trạng bé đã ổn định, thở dễ, không sốt, ăn ngủ chơi đùa bình thường. Ngày 17/11, bệnh nhi được ra viện.

Theo Bs Hoa, dị vật đường thở bị bỏ quên có thể gây ra viêm phổi tái phát nhiều lần trên những trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh. Không ít trường hợp dễ bị tưởng nhầm thành viêm phổi, hen suyễn. Nhiều trẻ được cho dùng kháng sinh và khí dung kéo dài dẫn đến những biến chứng nặng nề như như xẹp phổi, làm mủ trong phổi, hoại tử, áp xe phổi, tràn khí màng phổi...

Bác sĩ Hoa khuyến cáo, trẻ nhỏ trong giai đoạn 1-6 tuổi thường rất tò mò, hiếu động và thích khám phá do vậy, các bậc phụ huynh nên hết sức để ý đến trẻ với chủ trương phòng tránh là chính. Không cho trẻ chơi những đồ nhỏ, có thể đút vào miệng. Tránh các thói quen cười đùa khi ăn, không cho trẻ ăn khi đang khóc...

Khi thấy trẻ ho, khò khè kéo dài nên đưa trẻ đi khám. Trong trường hợp ho sặc rồi bị hóc, nếu không biết sơ cứu thì phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất. Không cố dùng ngón tay cho vào miệng trẻ lấy hạt ra vì có thể làm cho dị vật mắc sâu hơn.

Khánh Chi




Print Friendly and PDF